CHA MẸ LẬP DI CHÚC CÓ CẦN CHỮ KÝ CỦA CÁC CON KHÔNG

CHA MẸ LẬP DI CHÚC CÓ CẦN CHỮ KÝ CỦA CÁC CON KHÔNG

Khái niệm Di chúc theo quy định của pháp luật được quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS), cụ thể như sau:

“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

Từ quy định này có thể thấy, di chúc được hiểu là văn bản hoặc lời nói thể hiện ý chí, nguyện vọng của một người trong việc định đoạt tài sản, chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho người khác sau khi chết. Việc định đoạt tài sản là quyền của một cá nhân đối với tài sản mà mình đang sở hữu. Vì vậy, trong phạm vi pháp luật cho phép, việc lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi người đó chết không cần sự đồng ý của bất kỳ ai.

Bên cạnh đó, khi quy định về người lập di chúc, Điều 625 BLDS nêu rõ:

“1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.”

Theo đó, Bộ luật Dân sự đã khẳng định, người thành niên có toàn quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

Không chỉ vậy, về quyền của người lập di chúc, Điều 626 BLDS nêu rõ các quyền như sau:

- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Đồng thời, trong khi lập di chúc, người lập di chúc phải đáp ứng điều kiện minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (căn cứ điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS).

Đối với trường hợp lập di chúc có người làm chứng thì theo quy định của pháp luật cần có ít nhất hai người làm chứng cho việc lập di chúc và hai người ngày phải ký vào bản di chúc để xác nhận. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015 thì các con không thể là người làm chứng cho di chúc của bố mẹ nên trường hợp này không cần chữ ký của các con.

Như vậy, từ các căn cứ nêu trên, có thể thấy cha, mẹ khi lập di chúc có toàn quyền định đoạt tài sản của mình mà không phải phụ thuộc vào bất cứ cá nhân, tổ chức nào, kể cả con cái của người đó.

Trên đây là những tổng hợp các quy định pháp luật xoay quanh vấn đề Lập di chúc mà Tư vấn Như Ý gửi đến quý đọc giả. Rất mong bài viết sẽ hữu ích cho bạn. 

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn liên quan đến Doanh nghiệp, Đầu tư dự án, Sở hữu trí tuệ, Giấy phép hoạt động, Kế toán - Thuế, bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua các kênh sau:

 

     - Facebook: www.facebook.com/nhuylawfirm

     - Hotline: (028) 2202.89.89 hoặc 0914.39.47.96

     - Email: nhuylawfirm@gmail.com

 

 

Tác giả bài viết: Thanh Loan