GIA SÚC KHÔNG CÓ NGƯỜI TRÔNG COI, ĐI LẠI TỰ DO TRÊN ĐƯỜNG GÂY TAI NẠN GIAO THÔNG, NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM LÀ AI?
Thứ nhất, trong lĩnh vực giao thông, hành vi chăn dắt, thả rông súc vật vào phần đường giao thông là hành vi không được phép. Cụ thể:
- Theo khoản 1 điều 34 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người chăn dắt không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.
- Điểm c khoản 2 điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì thả rông súc vật trên đường bộ là hành vi không được thực hiện.
Chế tài phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này trong lĩnh vực giao thông được quy định như sau.
- Điểm d và đ khoản 1 Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định chủ sở hữu sẽ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng nếu điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
- Khoản 2 Điều 10 Nghị định này quy định hành vi điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, trách nhiệm dân sự và chủ thể phải chịu trách nhiệm trong các trường hợp điều khiển, chăn dắt, thả rông súc vật được quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 về Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau.
- Nếu súc vật gây ra thiệt hại cho người khác thì Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại. Nếu súc vật đang được người khác chiếm hữu, sử dụng (ví dụ thuê, mượn, được giao trông nom, chăm sóc…) mà gây thiệt hại cho người khác thì Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 603 BLDS 2015);
- Nếu súc vật gây thiệt hại cho người khác hoàn toàn do lỗi của người thứ ba thì Người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại (khoản 2 Điều 603 BLDS 2015);
- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (ví dụ trộm cắp súc vật, nuôi nhốt súc vật mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu,….) gây thiệt hại thì Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại (khoản 3 Điều 603 BLDS 2015);
- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội (khoản 4 Điều 603 BLDS 2015).
Ngoài ra, trách nhiệm mà những người có hành vi chăn dắt, thả rông súc vật gây tai nạn giao thông còn phải chịu là trách nhiệm hình sự. Cụ thể nếu súc vật gây tai nạn khiến người điều khiển giao thông tử vong thì chủ sở hữu có thể sẽ bị khởi tố vì tội Vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Mặc dù các quy định của pháp luật đã rất rõ ràng về chế tài đối với hanh vi này nhưng hiện tượng thả rông gia súc vẫn còn xảy ra trên nhiều nơi, gây ra những hậu quả rất đáng tiếc cho cả người tham gia giao thông lẫn chủ sở hữu, người sử dụng. Một phần là do chủ sở hữu đã không tìm hiểu các quy định của pháp luật, ngoài ra cũng cần nhìn nhận thực tế các cơ quan chức năng đã không liên tục nhắc nhở, dùng các biện pháp răn đe, cứng rắn hơn để giảm thiểu tình trạng này. Vì thế thông qua bài viết trên đây, Tư vấn Như Ý có thể cung cấp những thông tin cần thiết cho quý bạn đọc và người thân trong vấn đề này để chúng ta cùng nhau chung tay xây dựng môi trường sống an toàn và tránh những điều đáng tiếc.
Rất mong bài viết sẽ hữu ích cho bạn.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn về thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư, thuế - kế toán và giấy phép hoạt động, bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua:
Facebook: www.facebook.com/nhuylawfirm
Hotline: (028) 2202.89.89 hoặc 0914.39.47.96
Email: nhuylawfirm@gmail.com
Tác giả bài viết: Yến Linh