KINH NGHIỆM XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ATTP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KINH NGHIỆM XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN ATTP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Loại hình: cửa hàng ăn uống, nhà hàng, quán cafe. Bài viết mang tính chất chia sẻ kinh nghiệm thực tế và mang chất giọng dí dỏm, mong quý đọc giả cởi mở đón nhận)

 

I. THÀNH PHÂN HỒ SƠ:

Các bạn đến Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (địa chỉ bên dưới). Bạn gửi xe bảo vệ sẽ hỏi đi đâu? Ờ thì đi đâu thì trả lời đi đấy. Bảo em đi xin mẫu hồ sơ. Họ sẽ chỉ đi vào phòng ở tầng trệt ngay gần chổ để xe.

Vào đây bạn sẽ thấy ngay cửa ra vào phía trong có dán 03 mẫu hồ sơ do 3 Sở quản lý là: Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Bạn chụp toàn bộ mẫu của Sở Y Tế về gõ lại y vậy nhé. Cái gì không hiểu thì hỏi mấy chị ở đó luôn, họ dễ ợt hà.

Đi khám sức khỏe ở bệnh viện cấp quận trở lên. Search google “Danh sách bệnh viện khám theo thông tư 47”. Xong đến đó nhớ nói khám theo thông tư 47.

Giấy xác nhận kiến thức An toàn thực phẩm thì hình như không phải thi nữa. Nhưng đã đến Ban quản lý An toàn thực phẩm rồi thì tiện hỏi luôn nhé! Nếu có thì về lên danh sách rồi đăng ký.

II. NHỮNG THỨ CẦN CHUẨN BỊ:

     1. Chứng từ nguồn gốc hàng hóa:

Hàng hóa đầu vào của Bếp, Quầy bar cần có hóa đơn GTGT và Công bố chất lượng sản phẩm.

Gợi ý: Ví dụ thịt, xúc xích, pate, bia, nước ngọt,… thì chắc chắn bạn phải xin rồi, xin nhà cung cấp ấy. Còn ví dụ như rau, củ, quả để làm sinh tố, nước ép, hoặc bánh mì gì đó thì bạn có thể ra siêu thị mua một ít rồi lấy hóa đơn GTGT. Gợi ý vậy tự hiểu hén!

Hàng hóa phải có nhãn đầy đủ. Nếu nhãn tiếng nước ngoài thì phải có nhãn phụ (nhãn tiếng Việt) dán bên cạnh.

Hàng hóa kiểm tra date thật kỹ kẻo bị phạt ngay ngày đầu tiên.

Chuẩn bị 1 2 bill tiền nước gần nhất để chứng minh là mình xài nước máy chứ không họ bảo xài nước giếng là phải kiểm định nước giếng nữa. Nếu trong cơ sở có dùng nước giếng cũng đừng nói nhé! JJJ

     2. Cơ sở vật chất:

Lưu ý những nguyên tắc vàng sau:

- Luôn sạch sẽ, không một cọng rác. Đặc biệt là sh** gián, chuột,…dọn cho sạch. Thẩm định xong muốn ra sao thì ra (vui thôi);

- Chuẩn bị: 01 đèn bẫy côn trùng loại ánh sáng xanh (tầm 400k), 2 cái bẫy chuột (15k/ cái), vài miếng dán chuột, dán ruồi,…. Đèn bẫy côn trùng treo ở quầy bar hoặc nơi phục vụ khách chổ nào cho nó coi được là được. Còn mấy thứ còn lại cho vào Bếp;

- Trần nhà, tường nhà cần quét sơn và lau dọn sạch. Tránh để đoàn thẩm định bắt lỗi bụi rơi vào thức ăn;

- Đảm bảo đầy đủ đèn chiếu sáng, bình chữa cháy, đèn chiếu sáng khẩn cấp, đèn exit,….;

- Trang bị 1 thùng rác to bên ngoài cửa Bếp hoặc ngoài quán (gọi là nơi tập kết rác) để công ích đến lấy;

- Mua 1 hộp lưu mẫu thức ăn. Việc lưu mẫu chỉ áp dụng với đoàn khách 30 người trở lên. Nhưng cán bộ đoàn thẩm định có thể đặt câu hỏi “Nếu bất chợt có đoàn khách 30 người em lấy đâu ra hộp lưu mẫu?”. Thế nên cứ mua để trong Bếp cho chắc nhé!;

- Toàn bộ nhân viên phải có đồng phục, tạp dề, cắt móng tay gọn gàng, không đeo trang sức. Tối thiểu là phải như thế trong ngày đoàn thẩm định.

- Hãy nhớ rằng, phòng giám đốc là bất khả xâm phạm. Khóa cửa lại và dán tờ giấy “Phòng giám đốc, không phận sự miễn vào”.

     2.1 Bếp (quan trọng nhất):

- Bếp thiết kế theo nguyên tắc 1 chiều: Tức là hàng hóa của Bếp vào một lối và đi 1 vòng từ sơ chế, lưu trữ, chế biến, trang trí,….và ra cửa cũ hoặc lối khác;

- Phân biệt dao sống, dao chín, thớt sống, thớt chín: Dùng giấy màu dán vào bên hông thớt, trên cán dao và note trên đó “DAO SỐNG”, “DAO CHÍN”,…..;

- Thùng rác của Bếp phải có nắp đậy;

- Có giá để dao;

- Phải có tủ đựng chén bát chưa sử dụng. Lưu ý cần trải khăn trên mặt của chén bát;

- Bố trí 2 bồn rửa: 1 bồn rửa để sơ chế nguyên liệu, 1 bồn rửa để vệ sinh chén dĩa dơ. Lưu ý bố trí theo nguyên tắc 1 chiều ở trên;

- Nếu có tủ lạnh thì nên có 2 tủ, 1 tủ để nguyên liệu đã sơ chế, 1 tủ chứa thức ăn đã chế biến;

- Tường xung quanh bếp hoặc sơn bóng hoặc dán gạch để dễ lau chùi;

- Nếu nước rửa chén là mua dạng lít thì cứ mua rồi cất “Chổ khác”. Mua 1 chai nước rửa chén Sunlight loại 1 lít để ở Bếp đã;

- Nếu tương ớt có sang, chiết thì chung quy cần chai lớn loại 5 lít có nhãn hiệu rõ ràng rồi muốn chia nhỏ thì chia;

- Đầu bếp phải trang bị 1 bộ đồ Bếp (cái này mấy đứa làm Bếp nó biết), găng tay, tạp dề,…Ít nhất thì cũng phải mặc trong ngày tiếp đoàn thẩm định. Vì cái bộ này nóng khủng khiếp.

     2.2 Nhà vệ sinh (Toilet – WC):

- Có ít nhất 2 nhà vệ sinh: 1 nhà vệ sinh cho khách, 1 nhà vệ sinh cho nhân viên. Nếu đoàn thẩm định đòi phòng thay đồ nhân viên thì bảo nhân viên thay trang phục trước khi đến;

- Nhà vệ sinh phải khô ráo, sạch sẽ, lối thoát mùi của nhà vệ sinh không được chung với lối thoát mùi của Bếp;

- Bố trí 1 bồn rửa mặt trong WC có giấy vệ sinh hoặc máy sấy, xà phòng rửa tay. Đi kèm là giấy vệ sinh trong bồn cầu. Thùng rác có nắp đậy;

- Các vật dụng: chổi, ki, nước lau sàn,….(gọi chung là vật dụng vệ sinh) thì cất vào kho hoặc một chổ riêng;

     2.3 Quầy bar, quầy nước (nếu có):

- Cũng thiết kế theo nguyên tắc 1 chiều như ở Bếp;

- Các vật dụng chưa dùng như ly, cốc, muỗng, …có tủ đựng và có khăn trải lên trên;

- Nếu có sử dụng nước đá thì có 2 phương án: Phương án 1: có máy làm đá thì mang đá đến Vinacontrol kiểm nghiệm chất lượng, không cần công bố. Phương án 2: nếu mua đá ở cơ sở sản xuất đá thì xin kết quả kiểm nghiệm 6 tháng gần nhất và bản công bố hợp quy của nước đá.

     2.4 Khu vực phục vụ khách:

- Vệ sinh sạch sẽ, bố trí bàn ghế thuận tiện di chuyển qua lại;

- Sàn nhà lau khô, không để đọng nước.

     2.5 Kho:

- Các vật dụng trong kho phải sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, quét dọn kỹ tránh bụi bặm. Đặc biệt lưu ý date hàng hóa;

- Nếu có đồ vật gì không tiện để ở đây hãy nhớ “Phòng giám đốc”

III. TIẾP ĐOÀN THẨM ĐỊNH:

Nếu hồ sơ chưa hoàn tất, bạn sẽ được thông báo bổ sung hồ sơ (thường được gọi qua điện thoại). Nếu hồ sơ hoàn chỉnh, bạn sẽ nhận được thông báo về việc đoàn xuống thẩm định. Thông thường họ sẽ thông báo trước 1 2 ngày và không ấn định giờ kiểm tra đâu (xác định chờ cả ngày).

Ngày đoàn xuống thẩm định thì theo mình nên off quán. Vì đoàn kiểm tra vào đi tới lui mà có khách thì không hay lắm. Với lại ngày hôm đó mình cần đảm bảo cơ sở sạch sẽ nhất có thể. Với lại cơ sở chưa đủ điều kiện An toàn thực phẩm mà kinh doanh thì coi chừng ấy. Thường cái này Sở Y tế họ châm chước cho vì mình giải thích theo kiểu là “bán lấy ngày, bán gỡ vốn, mặt bằng cao quán cán bộ ơi, ….”

Khi tiếp đoàn thì nên có trà, nước, trái cây cho phải phép. Nếu quán có bán café luôn thì có thể mời họ luôn. Thường họ chả ăn uống gì đâu, uống nước lọc thôi với các lý do “sợ đau bụng, mới sáng hông uống café….)

Đoàn sẽ chỉ ra các thiếu sót cứ ngoan ngoãn mà ghi chép lại và điều chỉnh theo ý của đoàn. Nếu lỗi nặng thì mới thẩm định lại còn lỗi nhỏ thì sẽ được vu vi cho khắc phục trong 3-5 ngày và báo cáo khắc phục cho đoàn là sẽ được nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Nhưng nếu đã làm đúng như hướng dẫn phía trên thì  khả năng thẩm định lại hầu như là không có.

Vui vậy thôi chứ đoàn này các anh chị nhiệt tình lắm, hướng dẫn làm đúng là chủ yếu. Các đoàn phạt nằm phía sau kìa!

Chúc các Anh Chị Bạn may mắn trong kinh doanh!

Địa chỉ Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh: 18 Cách Mạng Tháng Tám, Phường Bến Thành, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh (đối diện Phong Vũ cũ giờ là Novaland).

Trên đây là những tư vấn của Tư vấn Như Ý về vấn đề này, rất mong bài viết sẽ hữu ích cho bạn.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn về thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thuế - kế toán và giấy phép hoạt động, bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua:

        Facebook: www.facebook.com/nhuylawfirm

        Hotline: (028) 2202.89.89 hoặc 0914.39.47.96

        Email: nhuylawfirm@gmail.com